Tôi có phúc được lớn lên trong một môi trường rất an toàn và yên ổn. Tuổi thơ tôi thật sự là sống trong kén. Trong cộng đồng nhập cư thế hệ đầu tiên ở vùng nông thôn hẻo lánh mà tôi sinh trưởng, tất cả chúng tôi đều biết nhau, đều cùng đến một nhà thờ, cùng theo một đảng chính trị, tất cả đều da trắng, cùng chung một nền tảng sắc tộc, tất cả đều có ngữ âm như nhau, đều có quan điểm về luân lý tương tự nhau, tất cả đều chia sẻ những hy vọng và sợ hãi về thế giới bên ngoài, và tất cả đều khá tin tưởng phụng thờ Thiên Chúa trong cái kén đó. Chúng tôi biết mình đặc biệt trong mắt Chúa.

Tâm thức này có một sức mạnh, nhưng cũng có một phần xấu ẩn bên dưới. Khi không có người lạ trong đời mình, khi ai ai cũng trông hệt như bạn, tin tưởng như bạn và nói năng như bạn, khi thế giới của bạn chỉ toàn những người như mình, hệ quả là về sau thế giới đó sẽ mở rộng trong một sự đau đớn đến tận sâu thẳm tâm hồn để chấp nhận, sống và thoải mái với sự thật rằng những người khác biệt với bạn, những người mang màu da khác, nói ngôn ngữ khác, sống ở đất nước khác, theo tôn giáo khác, và có cách hiểu khác, họ cũng chân thật và quý báu trước mắt Chúa như bạn vậy.

Tất nhiên không phải ai cũng có thời thơ ấu như tôi, nhưng tôi cho rằng hầu hết mọi người đang đấu tranh, còn phải cố gắng hơn mức độ cởi mở mà ta thường tự phụ về mình, để chấp nhận rằng mọi cuộc đời đều bình đẳng và quý báu với Thiên Chúa như cuộc đời chúng ta vậy. Thật khó để chúng ta tin rằng, mình và giống nòi của mình, không có phúc và có giá trị gì đặc biệt hơn những người khác. Có nhiều nguyên do cho điều này.

Thứ nhất, chúng ta có tính ái kỷ bẩm tại. Nói đơn giản, ta không thể không cảm nhận hiện thực của mình là thật và quý báu hơn của người khác. Xét cho cùng, như Rene Descartes đã nói, điều duy nhất ta có thể biết chắc, đó là ta tồn tại, là niềm vui và đau đớn của ta tồn tại. Còn mọi sự khác, có lẽ chỉ là giấc mơ của ta. Và trên tính ích kỷ tự nhiên đó, còn có những sự khác. Là máu mủ, ngôn ngữ, quê hương, và tôn giáo theo kiểu giọt máu đào hơn ao nước lã. Hệ quả là, những người giống chúng ta luôn chân thật hơn. Quá nhiều người trong chúng ta sống với khái niệm rằng Thiên Chúa chúc phúc cho chủng tộc và quốc gia chúng ta hơn là cho các chủng tộc và quốc gia khác. Ta nghĩ rằng mình đặc biệt trong mắt Chúa. Đấy là một khái niệm phi Kitô và sai lầm đến nguy hiểm, đối lập trực tiếp với kinh thánh Do Thái – Kitô giáo. Sự thật là Thiên Chúa không xem trọng đặc biệt một chủng tộc và quốc gia nào.

Bởi thật khó để chúng ta nhìn ra cuộc sống của mọi người khác cũng chân thật và quý báu như của chúng ta, vậy chúng ta sẽ đi về đâu? Làm sao để chúng ta thật lòng sống chấp nhận sự thật mà chúng ta vẫn thường nói trên môi miệng, chấp nhận rằng Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người như nhau, không có ngoại lệ?

Có lẽ ta nên bắt đầu bằng việc thừa nhận vấn đề, thừa nhận rằng tính ái kỷ bẩm tại và khuynh hướng bộ lạc đang ngăn chúng ta nhìn thấy cuộc sống của những người khác cũng chân thật và quý báu như của chúng ta. Tôi cho rằng, chúng ta cần phải nhìn vào chủ nghĩa ái quốc sai lầm. Chúng ta không phải là một quốc gia đặc biệt, ít nhất là không đặc biệt hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Trước mặt Chúa, những giấc mơ, đau thương, niềm vui nỗi buồn, đau đớn, cái chết của chúng ta không đáng giá hơn của những người khác trên thế giới. Mà có lẽ còn thua, bởi Thiên Chúa ưu tiên cho người nghèo. Cuộc sống của hàng ngàn người tị nạn ngày nay, những người quá dễ rơi vào hàng đống người vô danh mà chúng ta bày tỏ lòng một cảm thông mơ hồ, họ cũng đáng giá trước mặt Chúa hệt như con cái chúng ta vậy, bởi Kinh thánh nói rằng Chân lý ở trong những người bị loại trừ. Ngày nay, có lẽ họ là dân tộc định mệnh, là những người được Chúa chúc phúc đặc biệt.

Chúng ta cũng cần phải sửa đổi những thần học xấu. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mặc khải và hiện thân, chúng ta không được biến Ngài thành Thiên Chúa của riêng mình, một Thiên Chúa xem chúng ta quý báu và được ơn phúc hơn những dân tộc khác, một Thiên Chúa chúc lành đặc biệt cho chúng ta. Đáng buồn thay, chúng ta luôn mãi có khuynh hướng biến Thiên Chúa thành thần linh bộ lạc của mình, của gia đình, gia tộc, giáo hội và quốc gia mình. Thiên Chúa quá dễ bị biến thành Thiên Chúa của riêng chúng ta. Nhưng đức tin thật sự không chấp nhận thế. Một thần học Kitô chính thống và lành mạnh dạy rằng Thiên Chúa hiện diện đặc biệt nơi tha nhân, nơi người người nghèo và người lạ. Mặc khải của Chúa đến với chúng ta rõ ràng nhất là qua người ngoài, qua những gì xen vào vùng thoải mái và những dự tính của ta, nhất là những dự tính của ta về Thiên Chúa.

Thiên Chúa quá cao cả vĩ đại để bị hạ xuống mà phục vụ cho lợi ích của gia đình, sắc tộc, giáo hội và quốc gia của chúng ta. Thiên Chúa là của tất cả mọi người như nhau, chứ không phải của riêng chúng ta.