Cuốn phim Cô Gái Triệu Đô (Million Dollar Baby) kể câu chuyện một phụ nữ trẻ trở thành võ sĩ quyền anh chuyên nghiệp. Trẻ trung, mạnh mẽ, thể chất hấp dẫn, cô chiếm được trái tim của khán giả, ngoài tất cả mong chờ, cô lên được đỉnh cao trong môn thể thao của mình. Nhưng câu chuyện lại trở nên bi thảm, cô bị đối thủ tấn công không đúng, cuối cùng cô bị liệt, cơ thể cùng với sức khỏe, sức hấp dẫn tan nát. Cô chọn cách kết thúc đời mình bằng an tử.

Tôi đi xem phim này với một cặp vợ chồng trẻ, cả hai có đời sống gắn kết với đức tin và với giáo xứ. Cả hai rất xúc động cách mà phụ nữ này chọn để chết. Có lẽ đó là cảm xúc của chính họ nhiều hơn khi họ biện minh cho cách chết của người phụ nữ này: “Nhưng cô ấy còn quá trẻ và đẹp! Sẽ không công bằng nếu cuộc đời còn lại của cô phải sống trong tình trạng khủng khiếp này!” Dưới đôi mắt tuổi trẻ của họ, tình trạng suy nhược này đã lấy đi tất cả nhân phẩm cần thiết của người phụ nữ.

Nhân phẩm là gì? Khi nào và làm thế nào mà nhân phẩm bị mất?

Nhân phẩm là thuật ngữ gây nhiều khó hiểu, nó thường xuyên mất đi các nghĩa khác nhau. Đó cũng là một thuật ngữ ngầm. Đôi khi nó không còn có nghĩa như những gì nó đã từng có nghĩa, và có phải ngày nay thuật ngữ này không còn đúng khi áp dụng cho “chết có nhân phẩm” không? Điều gì định nghĩa cho cái chết trong nhân phẩm?

Ngay sau cái chết bằng an tử của Brittany Maynard trong một vụ thu hút sự chú ý của dư luận, nhà báo Jessica Keating viết một bài trên tạp chí America lượng định cái chết này dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Đến một thời điểm, bà đưa ra câu hỏi về phẩm giá và viết: “Việc dùng từ nhân phẩm để mô tả cái chết này đã tạo ra một vấn đề sâu sắc, vì nó che giấu thực tế của sự sợ hãi và đồng hóa nhân phẩm chỉ nhắm vào sự tự lập, sự lựa chọn và khả năng nhận thức triệt để. Kết quả là một hàm ý không tế nhị, rằng người chọn sự bất lực và sự đau đớn, họ chết một cách không đúng nhân phẩm.” (America, 16 tháng 3 – 2015)

Ngày nay trong phần lớn cuộc nói chuyện của chúng ta về cái chết trong phẩm giá, trên thực tế có hàm ý người chọn sự bất lực và sự đau đớn thay vì một cái chết êm dịu, họ chết một cách kém nhân phẩm. Điều này khó phủ nhận, với đặc điểm nổi trội của một nền văn hóa mà sự bất lực và đau đớn bị xem như một công kích rất lớn vào phẩm giá của chúng ta. Nhưng không phải lúc nào cũng như vậy, đôi khi ngược lại là khác, một thân thể già nua và sức vóc suy giảm có khi còn được xem là một cái gì đó xứng đáng và đẹp. Vì sao quan điểm của chúng ta bây giờ về nhân phẩm lại khác đi?

Chúng khác nhau vì cách chúng ta quan niệm về phẩm giá và nét đẹp khác đi. Với chúng ta, điều chính yếu là sức khỏe thể chất, sức sống thể chất và sức hấp dẫn thể chất của cơ thể con người. Với chúng ta, thẩm mỹ là căn nhà chỉ có một phòng – sức hấp dẫn thể chất. Mọi thứ khác đều là công kích vào nhân phẩm chúng ta. Điều đó làm cho chúng ta thấy bất kỳ tiến trình nào làm giảm và hạ thấp cơ thể con người, cướp đi sức sống và sức hấp dẫn thể chất đều là không đúng nhân phẩm. Vậy mà quy trình cái chết là bình thường. Nếu chúng ta ở bên đầu giường của những người sắp chết, chúng ta tháp tùng người ở giai đoạn cuối thì chúng ta biết về mặt cơ thể là không đẹp chút nào. Căn bệnh có thể làm những chuyện khủng khiếp trên cơ thể. Nhưng làm sao điều này lại có thể phá hủy nhân phẩm? Nó làm cho người ta mất đi vẻ đẹp sao?

Điều này tùy thuộc vào linh đạo, những gì được cho là đẹp, là đúng nhân phẩm. Chúng ta hãy xem cái chết của Chúa Giêsu. Theo khái niệm phẩm giá ngày nay thì đây là cái chết không có phẩm giá. Chúng ta luôn làm đẹp việc đóng đinh để bảo vệ chúng ta khỏi điều “bất xứng” sống sượng, nhưng đóng đinh là chuyện rất sỉ nhục. Khi người la-mã chọn hình thức đóng đinh để xử án tử hình, họ nghĩ đến nhiều thứ khác thay vì chỉ đơn thuần kết liễu một đời người. Họ muốn làm cho tử tội bị đau đớn đến cùng cực, làm sỉ nhục tối đa, trước công chúng bằng cách làm sỉ nhục cơ thể. Vì thế tử tội bị lột áo quần, bị phơi bày bộ phận sinh dục và khi có các cơn đau thắt trước khi chết thì ruột của họ sẽ thoát ra. Còn gì sỉ nhục hơn? Còn gì xấu hơn?

Nhưng ai sẽ nói Chúa Giêsu đã chết không có nhân phẩm? Ngược lại là đàng khác. Chúng ta luôn chiêm ngưỡng nét đẹp cái chết của Ngài kèm với phẩm giá được thể hiện trong đó. Nhưng đây là một thẩm mỹ khác, một loại văn hóa mà chúng ta không còn hiểu được. Đối với chúng ta, nhân phẩm và nét đẹp gắn bó chặt chẽ với sức khỏe thể xác, sức hấp dẫn ngoại hình, và không có giảm thiểu sỉ nhục nơi cơ thể. Trong bối cảnh này, dường như cái chết của Chúa Giêsu không có một phẩm giá nào.

Tôi là người đầu tiên công nhận vấn đề cái chết trong nhân phẩm là một vấn đề cực kỳ phức tạp, đặt ra các câu hỏi về pháp lý, y khoa, gia đình, xã hội, luân lý và thiêng liêng mà không có câu trả lời nào đơn giản. Nhưng bên trong tất cả các câu hỏi này, vẫn còn một câu hỏi về thẩm mỹ: cuối cùng cái gì tạo nên vẻ đẹp? Cuối cùng, chúng ta thấy phẩm giá như thế nào? Có phải một người với thân thể luôn mang vẻ hấp dẫn, không suy giảm, tự nguyện chọn chết trước khi vẻ đẹp đó bị xấu đi vì bệnh tật thì sẽ chết có phẩm giá hơn Chúa Giêsu sao?