Thị hiếu thì không tranh cãi. De gustibus non est disputandum. Câu nói nổi tiếng của thánh Augustino đã khoá mọi tranh cãi, thị hiếu là chủ quan, những gì người này yêu thích không nhất thiết người kia phải thích theo. Vì thế, tôi xin giới thiệu những quyển sách sau đây. Trong số những quyển sách tôi đọc năm 2013, có 10 quyển đặc biệt nhất. Và, không chắc thị hiếu của bạn có giống của tôi hay không, tôi cũng xin mạn phép đưa ra đây.

Trong số các tiểu thuyết đã đọc, tôi đề cử:

Tập truyện – Thân gởi cuộc đời (Dear Life), của Alice Munro: Loại truyện này sẽ không mang lại cảm giác thoải mái về mặt đạo đức cho bạn nhưng nó sẽ làm cho đầu óc bạn được mở mang. Đạo đức là bản chất mọi sự. Munro có lẽ đã đặt tên cho những truyện này là – Thế là thế đó! Nhờ xuất bản tiểu thuyết này, bà đã đoạt giải Nobel Văn học, và chẳng ai ở Canada ngạc nhiên vì điều này.

Hành vi Trốn tránh (Flight Behavior), của Barbara Kingsolver là tiểu thuyết nói về việc trái đất nóng lên, đây không phải là chuyện ai cũng hứng thú, nhưng mọi người sẽ học được nhiều điều từ nó. Ngoài thông điệp đạo đức gởi gắm, một điều còn quan trọng hơn, đó là ánh đèn chớp tác giả rọi chiếu vào cuộc sống bình thường. Chuyện được kể từ góc nhìn của một bà mẹ trẻ, bị vướng trong cảnh đói nghèo, nản chí vì thiếu học, thiếu cơ hội lựa chọn, Kingsolver đã khéo léo đưa ra trần trụi một trái tim con người, với cả những cám dỗ và nhân đức.

Mái ấm (Home), của Toni Morrison. Morrison là một tác giả không dễ đọc và những dòng truyện của bà không phải lúc nào cũng dễ theo dõi, nhưng ngòi bút của bà thật nghệ thuật, hay nhất, và ngôn ngữ của bà truyền tải một màu sắc và cảm giác mà ít tiểu thuyết gia nào bì kịp. Thật không công bằng khi chưa có giải Nobel Văn học cho bà.

Về loại sách tự truyện và lịch sử, tôi đọc những quyển sau:

Hammarskjold, Một cuộc đời (Hammarskjold, A Life), của Roger Lipsey. Lipsey dùng cả núi tư liệu từ các bài báo và thư từ trao đổi của Dag Hammarskjold đã cho thấy Hammarskjold là tất cả những gì được ngụ ý trong quyển Markings, và còn hơn nữa. Hammarskjold, vừa trong tư cách là người của công chúng, vừa trong đời sống riêng của mình, đã cố gắng noi theo những gì cao cả trong đời. Quyển sách dày 800 trang về một tâm hồn cao thượng thật đáng bỏ công để đọc.

Kinh hãi thiêng liêng, Raissa Maritain, Sức lôi cuốn của Đau khổ và cuộc Phục hưng Công giáo ở Pháp quốc (1905-1944) (Sacred Dread, Raissa Maritain, the Allure of Suffering and the French Catholic Revival), của Brenna Moore. Quyển này không dễ đọc, nhưng nếu ai quan tâm đến thế giới của Maritains, Leon Bloy, Charles Peguy, và cuộc Phục hưng Công giáo ở Pháp vào đầu thế kỷ XX sẽ có được một cái nhìn rõ ràng sâu sắc hơn về thế giới đó.

Thập giá vùng hoang vu (Cross in the Wilderness), của Kay Cronin. Đây là một quyển sách cũ, xuất bản năm 1960, bây giờ chỉ tìm được ở thư viện mà thôi. Với quyển này, Cronin lần theo lịch sử của các nhà truyền giáo dòng Hiến sĩ đã đến Oregon và Columbia thuộc Anh và đã xây các nhà thờ ở đây. Tôi thật sự được tiếp thêm sức mạnh nhờ những tấm gương quên mình và lòng dũng cảm của họ và những gì họ đã làm được. Nhiều người trong số họ là những trí thức Pháp, được gởi đến vùng đất hoang mà không được chuẩn bị gì nhiều, họ đã sống sót nhờ vào lý tưởng, bền gan vững chí và đức tin, trong khi họ không có nhà ở, không có gì để ăn, không có bác sĩ săn sóc. Đọc chuyện của họ làm cho tôi, hơn bao giờ hết, thấy tự hào vì mình là một tu sĩ Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ.

Người con gái đi tìm cha, Người bí ẩn (The Shadow Man, A Daughter’s Search of Her Father), của Mary Gordon. Chúng ta chỉ hiểu được mình khi hiểu được cha mẹ mình và cách mà các đức tính và sự yếu đuối của họ đã định hình tâm hồn chúng ta. Mary Gordon, giỏi hơn hầu hết mọi người, đã có thể làm được việc đó. Nhiều người trong chúng ta đã đọc quyển sách thông tuệ bà viết về mẹ mình, quyển Xoay quanh Mẹ tôi (Circling my Mother). Quyển này, bà cũng làm như thế về cha mình. Cách bà hiểu cha mình sẽ giúp chúng ta hiểu được người cha của chính chúng ta.

Về sách thiêng liêng, tôi xin giới thiệu nhiều hơn:

Sự an ủi trong Đường lối thiêng liêng mãnh liệt của Cảnh vật, Hoang mạc và Đồi núi (The Solace of Fierce Landscapes, Desert and Mountain Spirituality), của Belden C. Lane. Quyển này gần với dòng văn của quyển Mánh lới tâm hồn (Soulcraft) của Bill Plotkins. Tác giả cho chúng ta hiểu rõ về vai trò quan trọng của địa lý trong việc định hình tâm hồn chúng ta, và cũng nói qua về cách chúng ta có thể tự đặt chính mình một cách có chủ đích hơn vào khung cảnh đó. Với Lane, linh đạo không phải là một việc có thể thực hiện trong các trung tâm cầu nguyện gắn máy lạnh. Mà phải là trong tự nhiên, hoang mạc, trong cơn gió và mặt trời để gột rửa tâm hồn và thể xác chúng ta.

Tái khám phá các giá trị – về Phố Wall, Phố Chính, và Con phố của bạn, Kim chỉ nam luân lý cho nền Kinh tế mới (Rediscovering Values – On Wall Street, Main Street, and Your Street, A Moral Compass for the New Economy), của Jim Wallis. Quyển sách này là một lời cảnh báo: Nó sẽ làm cho bạn khó chịu nếu bạn là người bảo thủ về mặt tài chính, nhưng nếu như thế, bạn hẳn sẽ muốn đi vào thách thức này. Wallis gần như là kiểu “Dorothy Day” của thế hệ chúng ta.

Công dân của Thế giới, Đau khổ và Đoàn kết trong thế kỷ XXI (Citizen of the World, Suffering and Solidarity in the 21st Century), của Donald H. Dunson và James A. Dunson. Socrate đã nói, trước tiên và trên hết, ông là công dân của thế giới, sau đó, mới đến là công dân của thành phố Athens. Làm sao chúng ta mở rộng quả tim và lòng biết ơn để sống một tinh thần công dân rộng lớn hơn sắc tộc, quốc tịch, lịch sử, địa lý, tư lợi, và quan hệ tự nhiên của mình? Donald và James Dunson cố để trả lời cho câu hỏi này, và họ đã làm với một sắc thái phi thường. Quyển sách này là một kim chỉ nam đạo đức chân thật, đúng là lời ngôn sứ. Các ngôn sứ tốt không phỉ nhổ bạn vì tội lỗi, mà họ làm cho bạn muốn trở nên một con người tốt đẹp hơn.

Một lần nữa, tôi xin nói: “Thị hiếu thì không tranh cãi.” De gustibus non est disputandum.