Sự quen thuộc dễ khiến xem thường. Nó cũng ngăn chặn điều bí ẩn của Giáng sinh qua việc nuôi dưỡng một cái nhìn về cuộc sống, cái nhìn không thấy được thiên tính nơi con người. 

Tuy vậy tất cả chúng ta đều dễ mắc căn bệnh vô phương cứu chữa là nhìn hầu hết mọi việc theo một cách quá mức quen thuộc, nghĩa là, theo cách hầu như hoặc thật sự không thấy được nét phong phú và thiêng liêng sâu sắc lung linh dưới bề mặt. G.K. Chesterton, khi chiêm nghiệm về điều này, từng tuyên bố rằng một trong những bí ẩn sâu kín nhất của đời sống là học cách nhìn các sự việc quen thuộc đến chừng nào chúng tỏ ra không quen thuộc trở lại. Alan Jones gọi đó là một quá trình học cách thoát ra những gì quen thuộc. 

Dù dùng từ ngữ gì đi nữa, thách thức vẫn là một: Chúng ta cần học cái bí quyết nhìn thấy điều phi thường bên trong điều bình thường, thấy tính thiêng liêng lung linh ở con người, và nhìn thấy hào quang xung quanh những gương mặt quen thuộc. 

Thomas Merton, trong một bài viết có lẽ nổi tiếng nhất của mình, chia sẻ câu chuyện một lần nọ ông đã có trực nghiệm gần như huyền bí về điều này nơi một trong những tình huống bình thường nhất. Ông sống ở tu viện Trappist, ngoại ô Louisville, tiểu bang Kentucky gần 20 năm, và một ngày nọ, ông cần đi vào Louisville để khám bệnh. Ông đang đứng ở ngã tư đường số 4 và đường Walnut, thì bỗng nhiên những sự bình thường hóa thành phi thường. Mọi người xung quanh ông bắt đầu lung linh với một sức tỏa rạng thiêng liêng sâu đậm. Ông viết, chung quanh tôi, mọi người ai cũng đang đi “tỏa sáng như mặt trời.” Và ông viết thêm: “Rồi như thể tôi đột nhiên nhìn thấy vẻ đẹp bí ẩn của trái tim họ, chiều sâu trái tim họ nơi cả tội ác lẫn ao ước lẫn sự tự tri đều không thể với tới, cốt tủy của thực tại của họ, con người mà mỗi một người đều nằm trong đôi mắt của Chúa. Giá như tất cả họ có thể nhìn thấy chính họ như họ thật sự là. Giá như chúng ta luôn luôn có thể nhìn thấy nhau theo cách đó. Sẽ không còn có chiến tranh, không còn thù hận, không tàn ác, không tham lam… Tôi nghĩ vấn đề lớn lúc đó chúng ta sẽ quỳ xuống và tôn thờ lẫn nhau.”   

Cái nhìn như vậy, thấy thế giới chuyển hóa với vầng hào quang quanh những gương mặt quen thuộc, rốt cuộc là ý nghĩa của Giáng Sinh, ý nghĩa tối hậu sự hiện thân của Chúa, và bí ẩn của việc Chúa đi lại trong hình hài con người. Giáng sinh không phải là ăn mừng ngày sinh của Chúa, mà là ăn mừng sự ra đời tiếp tục của Chúa dưới hình hài con người, sự tiếp nối của thiêng liêng hiện ra ở chỗ tầm thường; Chúa, một hài nhi yếu đuối trong máng cỏ.Nhưng để có cái nhìn như vậy chúng ta cần cầu nguyện. Cầu nguyện là cách chủ yếu bảo vệ chúng ta khỏi sự quen nhờn vốn nuôi dưỡng sự xem thường, và là một trong những cách ít ỏi để theo đó chúng ta có thể bắt đầu nhìn bằng đôi mắt sâu sắc hơn của trái tim. Cầu nguyện là cách nâng trái tim và trí óc mình lên Chúa, nhưng nó cũng là một cách, đôi khi là cách duy nhất mà chúng ta có thể thanh lọc và làm sâu sắc cái nhìn của mình. Trải nghiệm của Merton ở góc đường số 4 và đường Walnut ở Louisville là nhờ đã cầu nguyện qua hàng năm dài.

Giáng sinh chỉ được nhìn thấy bởi sự tinh khiết của trái tim hay khi quả tim chúng ta tinh tuyền. Nhưng khi nhìn thấy được, thì đó là hào quang. John Shea, trong một bài thơ Giáng sinh đặc biệt, mời chúng ta luôn mở lớn mắt để đợi sự hiển thị của thiêng liêng nơi con người. Lời mời của Giáng sinh là lời mời nhìn thấy điều thiêng liêng trong lòng các máng cỏ của chúng ta, thân thể Chúa trên bàn và quanh những bàn ăn trong bếp chúng ta, và vầng hào quang nơi các gương mặt quen thuộc:

Ngay cả khi lễ Giáng sinh, khi các vầng hào quang được các nhóm nghiên cứu khảo sát chất lượng trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, các vầng hào quang cũng khó mà thấy được. Nhìn thấy hào quang thì hơn là thấy một dấu hiệu may mắn. Nó đòi hỏi kỹ năng chuyên tâm, cái hành động đơn giản, như Annie Dillard đã phát hiện.

Đó là cách các hào quang được nhìn, bằng nhìn vào tầm cao cả, bằng làm nhỏ đi các thấp hèn trong các nếp gấp đến vô tận. Tôi không biết điều này khi nhìn các cây thông trang hoàng. Nhưng tôi nhìn thấy nơi người phụ nữ đang bận bịu bày bàn ăn lễ Giáng Sinh, tôi đưa mắt nhìn để bắt gặp ánh hào quang trên gương mặt của bà, để ý đến ánh sáng lung linh dọc suốt thân hình bà. Anh sáng lung linh bên ngoài ánh đèn. … Khi nhìn thấy như vậy, tôi không hiểu vì sao tôi xúc động. Tôi chỉ thấy một tình yêu được làm mới, và đó là sứ vụ của các hào quang, là lý do nó được tặng cho chúng ta.

Tôi không phải là không muốn lưu lại hình ảnh này. Anh hào quang không tồn tại mãi dù nó cho chúng ta thấy nó vượt thời gian. Nhưng khi ánh hào quang tắt, nó không tắt một cách thình lình, nó không bỏ lại chúng ta buồn rầu không có ánh sáng.

Nó lùi lại, giống như khi thiên thần Gabriel rời mẹ Maria và mẹ mang thai.

Sự quen thuộc kéo theo sự coi thường. Đó là điểm yếu tiêu biểu nơi bản chất con người. Và có lẽ đó là điều hơn bất cứ điều gì khác đã ngăn không cho chúng ta thấm nhập vào huyền bí của lễ Giáng Sinh, để nhìn ánh hào quang của Thiên Chúa tỏa rạng dưới bề mặt của những gì đã quá quen thuộc với chúng ta.

Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ đi theo Chúa cầu nguyện, và khi họ cầu nguyện, Chúa và những người chung quanh Chúa đã biến hình và bắt đầu tỏa ánh hào quang rực rỡ. Chúa mời mỗi người chúng ta hướng về cách cầu nguyện đặc biệt này.